Lời kêu gọi "Quyên góp ủng hộ đồng bào một số tỉnh miền Bắc khắc phục thiệt hại và tái thiết cuộc sống sau cơn bão lũ"
Khối Nghiên cứu, Dịch vụ, Chuyển giao Công nghệ
Phụ huynh không khắt khe nhưng cần được tôn trọng
Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Nam (phụ huynh lớp 4, trường TH tại Q.12) cho biết, sau một năm học thì việc sửa sang lại phòng ốc lớp học, chỉnh trang cơ sở vật chất đón năm học mới cũng là cách giúp cho trẻ đến trường với tâm trạng vui vẻ hơn. Vì vậy, đa phần phụ huynh đều rất ủng hộ, không khắt khe gì, thế nhưng điều quan trọng nhất là giáo viên cần chia sẻ một cách tế nhị để phụ huynh thấy mình được tôn trọng…
“Giáo viên chủ nhiệm gửi một danh sách những thứ cần sửa, cần chỉnh trang trong lớp vào nhóm phụ huynh như một thông báo hơn là lấy ý kiến của phụ huynh. Cách chia sẻ như vậy là ép buộc, không khác gì xin tiền …”, vị phụ huynh bức xúc.
Trên thực tế, kêu gọi phụ huynh cùng chung tay sửa chữa cơ sở vật chất, trường lớp đầu năm học được nhiều trường thực hiện, như cách “chia sẻ trách nhiệm” với phụ huynh trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh. Thế nhưng, với những cách làm khác nhau lại có những hiệu quả khác nhau.
Chị Hoàng Tuyết Mai (phụ huynh trường TH Cửu Long, Q.Bình Thạnh) kể, lớp con chị với gần 40 phụ huynh đều hết sức ủng hộ việc sửa sang, trang trí lại lớp học nhằm tạo thuận lợi nhất cho con em mình học tập, giúp cô và trò có nhiều hứng khởi, niềm vui mỗi ngày đến trường.
Theo chị Mai, để nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của phụ huynh, cách làm của giáo viên chủ nhiệm cần tinh tế. Ngay khi nhận lớp, giáo viên cần nắm hoàn cảnh từng học sinh. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên thông báo về cơ sở vật chất, bày tỏ mong muốn phụ huynh cùng chung tay tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em trên tinh thần lắng nghe góp ý của phụ huynh.
“Phụ huynh thẳng thắn đóng góp ý kiến, đúng nghĩa là cùng với giáo viên xây dựng môi trường lớp học tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt là mọi đóng góp của phụ huynh đều trên tinh thần tự nguyện. Trong quá trình sửa sang lớp học, giáo viên trao quyền giám sát cho phụ huynh, phụ huynh cảm thấy tin tưởng, được tôn trọng, thấu hiểu, không khí lớp học đầu năm vô cùng phấn khởi…”. chị Mai bày tỏ.
“Cộng hưởng trách nhiệm” với phụ huynh ngay từ đầu năm
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) nhìn nhận, với sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường sẽ làm được nhiều thứ cho học trò và không ai khác chính học sinh sẽ được hưởng lợi.
“Từ việc xây dựng phòng thư viện, trang bị cơ sở vật chất, đầu tư phòng tin học, các phòng chức năng cho đến tổ chức các hoạt động giáo dục khác…, phụ huynh đều sẵn sàng chung tay với nhà trường, song phụ huynh phải cảm thấy những thứ đó thực sự cần thiết và con em mình trực tiếp được thụ hưởng”, cô Chi chia sẻ.
Trong câu chuyện tìm kiếm sự đồng thuận của phụ huynh đầu năm học để cùng tạo môi trường giáo dục, thống nhất quan điểm, mục tiêu và phương pháp giáo dục trẻ, hiệu trưởng này khẳng định, cần nhất là sự thẳng thắn, trao đổi, tôn trọng, làm sao để phụ huynh nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó chứ không “khoán trắng” cho nhà trường. Đồng thời cũng phải để phụ huynh thấy sự chia sẻ của giáo viên, nhà trường trong “cộng hưởng trách nhiệm”.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, một cán bộ quản lý giáo dục đã về hưu cho rằng việc kêu gọi phụ huynh đóng góp cơ sở vật chất đầu năm học nên có sự trao đổi, chứ không áp đặt phụ huynh theo hướng của giáo viên.
“Nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh mà tôi từng lát lại được nền của mấy phòng học với chi phí… không đồng, phụ huynh cùng chung tay làm, người góp công, người góp sức. Giáo viên hãy để phụ huynh được trực tiếp tham gia, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện môi trường giáo dục cho con em họ. Nếu được, hãy để phụ huynh cùng sửa sang, trang trí lớp học… Những chăm chút này sẽ giúp khoảng cách giữa giáo viên, phụ huynh được xoá nhòa ngay đầu năm học. Từ đó, tăng thêm sự tin tưởng, đồng thuận cho các hoạt động suốt năm học”, thầy Hùng chia sẻ.